Đảng Cộng sản Việt Nam Quang Vinh muôn năm                  Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy                  Đảng Cộng sản Việt Nam Quang Vinh muôn năm                 Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy                  Đảng Cộng sản Việt Nam Quang Vinh muôn năm                  Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy

Nghiên cứu, trao đổi

CÔNG TÁC KIỂM TRA TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN KHI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM, GÓP PHẦN QUAN TRỌNG NÂNG CAO NĂNG LỰC, SỨC CHIẾN ĐẦU CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN

10-08-2021 09:40

 
     Từ tổng kết thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và nghiên cứu lý luận, Đảng ta đã khẳng định: “Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng”, do đó “Lãnh đạo phải có kiểm tra, lãnh đạo mà không có kiểm tra, thì coi như không có lãnh đạo”. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành không nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xác định rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; trong đó công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đã được chú trọng hơn, từng bước đổi mới, có hiệu quả, kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.
     Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng (Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng; Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 07-QĐ/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quyết định số 684-QĐ/UBKTTW, ngày 03/01/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật của Đảng; Quy định 195-QĐ/TW, ngày 18/6/2019 của Ban Bí thư về chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra  cấp trên đối với Uỷ ban Kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng). Thực hiện các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng (ban hành Quyết định 632-QĐ/TU, ngày 04/4/2017  ban hành Quy trình kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy định số 1753-QĐ/TU, ngày 21/5/2019 về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 70-QĐ/UBKTTU ngày 25/11/2016 ban hành quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ...) Đó chính là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng và Uỷ ban Kiểm tra các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở.
      Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBKT các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được 180 tổ chức đảng và 324 đảng viên, trong đó UBKT Tỉnh ủy kiểm tra được 08 tổ chức đảng và 25 đảng viên. Số cuộc kiểm tra tăng hơn  so với nhiệm kỳ 2010 - 2015.
     Nội dung chủ yếu kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý tài chính...
      Qua kiểm tra, kết luận: Có 79 tổ chức đảng và 244 đảng viên có vi phạm, trong đó, phải thi hành kỷ luật 04 tổ chức ( hình thức kỷ luật khiển trách đến cảnh cáo) và 124 đảng viên ( hình thức kỷ luật khiển trách đến khai trừ).
 

 
Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát,kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ 2015 -2020
 
     Quá trình thực hiện kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nhận thấy: Đa số các cấp ủy được kiểm tra luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ; phần lớn các đối tượng được kiểm tra đã tự giác chấp hành, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm của mình và có những biện pháp để khắc phục sửa chữa khuyết điểm, vi phạm; đội ngũ làm công tác kiểm tra từng bước được kiện toàn, bổ sung, có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc quy trình, phương pháp kiểm tra nên khi thực hiện đảm bảo đúng quy định, mang lại hiệu quả. 
     Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì có thể nói công tác kiểm tra, giám sát nói chung, kết quả thực hiện kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng có lúc, có nơi chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phục vụ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Những hạn chế đó là: 
     Một số cấp ủy và UBKT đảng ủy cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nên chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện; kết quả kiểm tra chưa phản ánh đúng với thực tế vi phạm; chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, dẫn đến chất lượng, hiệu quả kiểm tra còn thấp, chưa giải quyết kịp thời được những vấn đề phức tạp, bức xúc trên địa bàn mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.
     Cán bộ làm công tác kiểm tra ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, do đó về mặt nghiệp vụ và khả năng phát hiện, tổng hợp, phân tích, đánh giá còn hạn chế, lúng túng trong việc xác định đối tượng kiểm tra; chưa kịp thời quyết định kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chỉ khi sai phạm đã rõ, gây dư luận xấu trong xã hội mới tiến hành kiểm tra. Công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra chưa chủ động, toàn diện. Một số Ủy ban kiểm tra cơ sở còn lúng túng trong thực hiện quy trình, thủ tục, trong công tác thẩm tra, xác minh nên khi kết luận chưa thể hiện được tính khách quan, toàn diện, chặt chẽ.
     Một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng về công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, cho rằng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là có vi phạm, việc này ảnh hưởng đến uy tín của tập thể và cá nhân.
     Một số ít cán bộ, đảng viên còn thiếu tinh thần cầu thị hợp tác, còn bao biện, che dấu khuyết điểm khi được kiểm tra, dẫn đến việc thẩm tra xác minh gặp khó khăn, làm kéo dài thời gian thực hiện.
     Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chưa nhận thức đầy đủ, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa chủ động trong việc nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm; có cán bộ đảng viên chưa nhận thấy được những sai phạm của mình, đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm để đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra; bên cạnh đó nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát thường xuyên, nắm tình hình địa bàn của UBKT, của cán bộ kiểm tra nói chung còn yếu; nhiều nơi cán bộ được phân công theo dõi địa bàn nhưng chưa sâu sát, năng lực hạn chế nên việc nắm bắt tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời.
     Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả công tác kiểm tra, tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
     Thứ nhất, Cấp ủy, UBKT các cấp cần nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; phải xác định công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm phòng ngừa, ngặn chặn kịp thời những sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng.
     Thứ hai, Ủy ban kiểm tra phải chủ động, tích cực nắm địa bàn, cơ sở kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm; xác định đối tượng, nội dung vi phạm để tiến hành kiểm tra; tranh thủ và chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo  của cấp ủy và hướng dẫn của UBKT cấp trên đối với công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra cách cấp khi cấn thiết. 
     Thứ ba, Cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của UBKT, tạo điều kiện để UBKT thực hiện đúng quy chế làm việc; thường xuyên nghe UBKT báo cáo tình hình hoạt động và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; quan tâm củng cố, kiện toàn UBKT, cơ quan UBKT và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đảng để xây dựng tổ chức UBKT các cấp vững mạnh toàn diện, đảm bảo hoạt động chất lượng, hiệu quả.
     Thứ tư, hoạt động của Ủy ban kiểm tra phải dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của đảng viên, phát huy trách nhiệm xây dựng đảng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, thực hiện đúng nguyên tắc: “Chứng cứ đến đâu, kết luận đến đấy, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến” ; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hình thức kiểm tra phù hợp với từng đối tượng và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra theo quy định. Đối với những trường hợp đối tượng kiểm tra có tinh thần tự phê bình yếu, thiếu tự giác, né tránh trách nhiệm, thì chủ thể kiểm tra cần làm tốt công tác tư tưởng, phương pháp kiểm tra phải thật sáng tạo, kết hợp làm tốt công tác thẩm tra, xác minh nắm bắt về khuyết điểm, vi phạm của đối tượng kiểm tra để thuyết phục, đồng thời kiên quyết đấu tranh để đối tượng kiểm tra thay đổi thái độ tự phê bình, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm của mình.
     Thứ năm, Ủy ban kiểm tra các cấp phải thường xuyên nắm bắt tình hình bằng nhiều kênh thông tin như: quan sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, qua đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là bám sát cơ sở; đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên, ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp, trong việc chủ động thường xuyên thu thập, lựa chọn, xử lý các nguồn thông tin, nắm chắc các hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc đối tượng giám sát để sớm phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Từ đó, tham mưu cho cấp ủy, UBKT xem xét, quyết định kiểm tra kịp thời, ngăn chặn những hành vi vi phạm ngay từ khi mới manh nha.
     Thứ sáu, cán bộ kiểm tra phải nắm chắc quy trình nghiệp vụ, tích cực nghiên cứu, học tập để nắm vững Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao; trong quá trình thẩm tra, xác minh phải công tâm, khách quan, thận trọng, xem xét kỹ lưỡng tính chất, mức độ, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến khuyết điểm vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Khi xem xét phải đảm bảo thấu tình, đạt lý, đảm bảo tính thuyết phục, tính giáo dục và tính chiến đấu.
     Nhiệm vụ đặt ra cho công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Đảng trong nhiệm kỳ tới là hết sức nặng nề, đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp phải có quyết tâm chính trị cao và cần đổi mới trong thực hiện. Phát huy kết qủa đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi tin tưởng rằng, công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đề ra./.

 

                                                           (Đ/c Trần Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 

                                                               Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

 
 

Tin liên quan