NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THẨM TRA, XÁC MINH TRONG CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA ĐẢNG
26-01-2024 14:51
Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng là "quá trình thực hiện các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá và sử dụng các chứng cứ; phân tích sự liên hệ và sự phù hợp giữa các chứng cứ với nhau và với vụ việc theo phương pháp công tác đảng để tìm ra sự thật, chỉ rõ bản chất của sự việc và hành vi của đối tượng được kiểm tra để kết luận rõ đúng sai"
Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nêu rõ: “Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, vi phạm (nếu có); nguyên nhân của khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, vi phạm và kết luận đối với tổ chức đảng, đảng viên”. Như vậy, hoạt động thẩm tra, xác minh là yêu cầu bắt buộc trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; chất lượng của hoạt động thẩm tra, xác minh có ý nghĩa quyết định đến tính chuẩn xác, khách quan của các kết luận kiểm tra, giám sát và tính công minh, xác đáng của các quyết định kỷ luật; đồng thời giúp tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nhận thấy được mặt ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có) để sửa chữa, khắc phục, phấn đấu tiến bộ.
Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng là "quá trình thực hiện các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá và sử dụng các chứng cứ; phân tích sự liên hệ và sự phù hợp giữa các chứng cứ với nhau và với vụ việc theo phương pháp công tác đảng để tìm ra sự thật, chỉ rõ bản chất của sự việc và hành vi của đối tượng được kiểm tra để kết luận rõ đúng sai
. Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng được tiến hành theo nguyên tắc và phương pháp công tác đảng: công khai, dân chủ dựa vào tổ chức đảng, phát huy tính tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng, đối tượng kiểm tra đồng thời là chủ thể kiểm tra nên vừa có quyền, vừa có trách nhiệm tự kiểm tra.
Cán bộ, công chức UBKT Tỉnh ủy Lạng Sơn thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu khi thực hiện thẩm tra, xác minh
Yêu cầu cơ bản đối với công tác kiểm tra, kỷ luật đảng là đánh giá khách quan, kết luận chính xác ưu điểm, khuyết điểm, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra để có quyết định hoặc đề nghị cấp uỷ quyết định xử lý đúng. Chất lượng thẩm tra, xác minh quyết định tính chính xác của các kết luận kiểm tra, qua đó quyết định chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra. Thẩm tra, xác minh nhằm làm rõ đúng, sai, vi phạm hay không vi phạm của đối tượng được kiểm tra nên có tác dụng minh oan cho những đảng viên, tổ chức đảng bị oan sai, xử lý những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nhằm giáo dục đảng viên đồng thời cảnh báo, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong Đảng. Hoạt động kiểm tra nói chung, hoạt động thẩm tra, xác minh nói riêng đều nhằm góp phần làm cho nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh. Thẩm tra, xác minh tốt không những thể hiện trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm tra mà còn góp phần thúc đẩy tính tự giác của đảng viên, khuyến khích quần chúng nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, giữ vững uy tín của Đảng và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII từ năm 2020 đến nay, Ngành kiểm tra của Đảng tỉnh Lạng Sơn với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, đã thực hiện hiệu quả, có nhiều đổi mới đặc biệt là nắm chắc tình hình diễn biến và hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc diện cấp ủy cùng cấp và cấp dưới quản lý để nhận biết, phát hiện, sàng lọc, phân tích, thanh lọc, lựa chọn, xác định dấu hiệu vi phạm (DHVP), đối tượng vi phạm để xác định và quyết định, tiến hành kiểm tra khi có DHVP hoặc phục vụ các nhiệm vụ kiểm tra và công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong Đảng bộ tỉnh tiến hành kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có DHVP, cụ thể như sau:
Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm triển khai quyết liệt và toàn diện. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát 3.006 tổ chức đảng và 6.234 đảng viên, trong đó kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tăng 235% tổ chức so với cùng kỳ và tăng 27,16% đảng viên so với cả nhiệm kỳ trước, trong đó UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 05 tổ chức đảng và 14 đảng viên (tăng 500% tổ chức và 1.400% đảng viên so với cả nhiệm kỳ trước); UBKT Tỉnh ủy đã thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 21 tổ chức đảng và 86 đảng viên (tăng 162,5% tổ chức và 244% đảng viên so với cả nhiệm kỳ trước). Qua kiểm tra kết luận 21 tổ chức đảng và 86 đảng viên có vi phạm và UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 05 tổ chức đảng và 13
Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT Tỉnh ủy thực hiện thẩm tra, xác minh tại huyện Văn Lãng
Trong năm 2023, UBKT Tỉnh ủy đã thành lập 08 Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 16 tổ chức đảng và 72 đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung vào những vấn đề nổi cộm liên quan đến các vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, được dư luận xã hội và nhân dân, cán bộ, đảng viên, các cơ quan thông tin, truyền thông quan tâm, phản ánh.
Nhờ thực hiện chặt chẽ hoạt động thẩm tra, xác minh, hầu hết các tổ chức đảng và đảng viên đồng tình, chấp hành nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát và quyết định kỷ luật của tổ chức đảng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tổ chức đảng, đảng viên chưa đồng tình chấp hành. Vì vậy, có thể khẳng định, hoạt động thẩm tra, xác minh có vị trí rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Để công tác thẩm tra, xác minh đạt được kết quả và có chất lượng cán bộ, công chức cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói riêng và cán bộ, công chức ngành Kiểm tra Đảng nói riêng cần nắm vững một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng công tác thu thập và xử lý thông tin. Đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thì "thông tin" chính là những tin tức có ích về đối tượng kiểm tra, giám sát cần được thu thập, phân tích, thẩm định, đánh giá, xử lý để làm rõ bản chất của sự việc, của đối tượng; thông qua những thông tin đó, có thể có căn cứ để kết luận đúng sai, tốt xấu, thậm chí lượng hoá tính chất, mức độ đúng sai mà lựa chọn và đề xuất giải pháp giải quyết, hình thức xử lý phù hợp.
Thứ hai, đối tượng của hoạt động thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát là tổ chức đảng, đảng viên hoặc tổ chức, cá nhân liên quan. Mỗi loại đối tượng có đặc điểm về trình độ, khả năng nhận thức khác nhau. Cán bộ kiểm tra phải tìm hiểu tâm lý, đặc điểm riêng của từng đối tượng để có phương pháp tiếp cận thích hợp mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phương hướng chung để tiếp cận đối tượng là kết hợp vận dụng đường lối, chính sách, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tâm lý học để động viên, thuyết phục đối tượng bảo đảm cho mỗi kết luận kiểm tra, nhận xét, đánh giá giám sát được tổ chức đảng và mọi đảng viên thừa nhận khách quan, có lý, có tình và thực hiện nghiêm túc.
Để thu thập được thông tin, tài liệu, bằng chứng, cán bộ kiểm tra cần gặp, làm việc với các đối tượng liên quan đến vụ việc như: người tố cáo, người bị tố cáo, người khiếu nại, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật bị khiếu nại, tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát; cá nhân và tổ chức biết sự việc hoặc có liên quan đến sự việc đang được tiến hành thẩm tra, xác minh,... Đó là những người có địa vị, mối quan hệ xã hội, trình độ, năng lực, kiến thức, lợi ích, tâm tư, tình cảm, lứa tuổi, giới tính, cá tính rất khác nhau. Để cuộc tiếp xúc đạt kết quả, cán bộ kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, phương pháp công tác đảng, nắm những kiến thức cơ bản về pháp luật, tâm lý học, khoa học điều tra và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thẩm tra, xác minh.
Thứ ba, xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phương pháp công tác đảng, tránh định kiến cá nhân và các tư tưởng né tránh hoặc hữu khuynh.
Thứ tư, phải đặc biệt coi trọng bằng chứng, tìm cho được bằng chứng, kể cả bằng chứng vi phạm và bằng chứng không vi phạm, bằng chứng ngoại phạm. Không có bằng chứng xác thực thì không thể kết luận được.
Thứ năm, để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ kiểm tra phải thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực, tích luỹ kinh nghiệm, tự hoàn thiện mình về phẩm chất, bản lĩnh phong cách công tác; phương pháp, kỹ năng giao tiếp, cách đặt câu hỏi, xử lý tình huống bất ngờ xảy ra và kỹ năng nghe, ghi để phản ảnh trung thực buổi làm việc. Phải biết cách gợi mở vấn đề để thu thập bằng chứng; có cách ứng xử phù hợp với các tình huống xảy ra trong quá trình làm việc, tránh “lấy lòng” đối tượng bằng những lời hứa hẹn vô nguyên tắc. Sau mỗi cuộc làm việc phải rút kinh nghiệm để điều chỉnh phương pháp làm việc hoặc hoàn thiện mình.
Ngô Ngọc Ánh - UBKT Tỉnh ủy
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài "Cơ sở lý luận, thực tiễn để đổi mới và nâng cao hiệu quả thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng" - Ủy ban kiểm tra Trung ương.